Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp do dịch ối, những tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác đi vào vào tuần hoàn mẹ gây ra phản ứng dị ứng. Phản ứng dị ứng này gây ra suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính cho mẹ.
Thuyên tắc ối là gì?
Bình thường dịch ối nằm trong tử cung được bao bọc bởi lớp màng ối, ngăn cách với tuần hoàn của mẹ. Khi màng ngăn cách bị phá vỡ có thể xảy ra tình trạng thuyên tắc ối.
Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp do dịch ối, những tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác đi vào vào tuần hoàn mẹ gây ra phản ứng dị ứng. Phản ứng dị ứng này gây ra suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính cho mẹ.
Những ai có nguy cơ cao bị thuyên tắc ối
Các yếu tố có nguy cơ làm tăng thuyên tắc ối bao gồm:
– Mẹ bầu tuổi cao: nếu bạn sinh con khi trên 35 tuổi thì sẽ có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối
– Bất thường nhau thai: nếu có cấu trúc phát triển bất thường trong tử cung khi mang thai, sản phụ sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh thuyên tắc ối. Các bất thường có thể bao gồm nhau tiền đoạn một phần hay toàn phần hoặc nhau thai bong ra bên trong tử cung trước khi sinh (nhau bong non). Những bất thường này có thể phá vỡ rào cản vật lý giữa sản phụ và thai nhi
– Tiền sản giật: nếu sản phụ mắc tiền sản giật – huyết áp cao và protein nhiều trong nước tiểu sau tuần 20 – sẽ có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối
– Mổ lấy thai: việc dùng kẹp hoặc giác hút lấy thai có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối. Các thủ thuật này có thể phá vỡ hàng rào vật lý giữa sản phụ và thai nhi.
– Đa ối: là tình trạng có quá nhiều nước ối quanh thai nhi, làm sản phụ có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối
Ngoài ra còn có một số đối tượng có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc khối như: Thai chết lưu hay thai suy, rách cổ tử cung, thai to, chọc dò ối…
Những nguy hiểm của thuyên tắc ối
Tử vong mẹ do nhiều nguyên nhân khác nhau như băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản, sản giật… Riêng thuyên tắc ối chiếm 5 – 10% trong số tử vong mẹ nói chung. Nếu xảy ra thuyên tắc ối, tỉ lệ tử vong mẹ hơn 80%, mặc dầu tỉ lệ sống sót của thai nhi có thể đến 70%.
Thống kê cho thấy 50% sản phụ sẽ chết trong giờ đầu khi khởi phát triệu chứng và trong số sống sót sau một giờ thì phần lớn trường hợp để lại di chứng thần kinh nặng nề.
Dấu hiệu thuyên tắc ối
Thường xảy ra ở giai đoạn cuối của cuộc chuyển dạ, sản phụ đột ngột khó thở, da xanh tái xảy ra trong vòng một vài phút đầu tiên, nhanh chóng theo sau là tụt huyết áp, phù phổi, shock, những biểu hiện thần kinh như lú lẫn, mất ý thức, co giật và hôn mê. Hơn 80% ngưng tim phổi trong vòng những phút đầu tiên, sau đó là rối loạn đông máu, đờ tử cung. Người ta cũng ghi nhận các sản phụ thuyên tắc ối có một vài đặc điểm như: thai nhi lớn, thai quá ngày, hốt hoảng, lo lắng, than lạnh, khó thở và nôn mửa. Giả thuyết cho rằng dịch nước ối và những tế bào thai khi vào tuần hoàn phổi của máu mẹ gây thúc đẩy phản ứng phản vệ, quá trình bệnh lý xảy ra qua 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Co thắt động mạch phổi với tăng áp phổi và tăng áp lực thất phải. Sản phụ khó thở cấp kèm tụt huyết áp. Giảm oxy huyết gây tổn thương hệ mạch máu nuôi cơ tim và mạch máu phổi, ngừng cung cấp máu đến tim và phổi, quá trình này nhanh chóng tiến triển đến suy tim trái và suy hô hấp cấp, ngay sau đó sản phụ rơi vào hôn mê. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng tỉ lệ tử vong mẹ ở giai đoạn 1 khoảng 60 – 80%, tuy nhiên một vài báo cáo gần đây cho thấy tỉ lệ tử vong mẹ ở giai đoạn 1 khoảng 30%.
Giai đoạn 2: Mặc dầu nhiều sản phụ không sống sót qua giai đoạn 1, nhưng khoảng 40- 50% người sống sót ở giai đoạn 1 sẽ bước vào giai đoạn 2. Đây là giai đoạn chảy máu và có thể kèm theo rét run nặng, ho, nôn ói và cảm giác khó chịu trong miệng. Do chảy máu quá mức sẽ đưa đến rối loạn đông máu, đờ tử cung, bệnh lý đông máu nội mạch lan tỏa, suy sụp tuần hoàn, và có nguy cơ cao tử vong mẹ. Sự suy sụp tuần hoàn dẫn đến suy thai và tử vong thai nhi nếu không được mổ lấy thai kịp thời.
Xử lý thuyên tắc ối
Phương pháp điều trị bệnh khẩn cấp bao gồm:
– Đặt catheter: bác sĩ sẽ đặt ống catheter vào một trong các động mạch để theo dõi huyết áp. Bác sĩ cũng đặt ống vào tĩnh mạch ở ngực (ống thông tĩnh mạch trung tâm) để cung cấp dịch truyền, thuốc hoặc máu;
– Cung cấp oxy: bác sĩ có thể đặt ống thở vào khí quản để giúp người bệnh thở dễ dàng hơn;
– Sử dụng thuốc: bác sĩ có thể dùng các loại thuốc để cải thiện và hỗ trợ chức năng tim. Các thuốc khác có thể được sử dụng để làm giảm áp lực gây ra bởi chất lỏng đi vào tim và phổi;
– Truyền máu: nếu bị chảy nhiều máu, cần phải được truyền máu và dịch thay thế.
Trong trường hợp phát hiện người bệnh có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối trước khi sinh em bé, bác sĩ sẽ điều trị với mục tiêu đảm bảo đưa thai nhi ra ngoài an toàn càng sớm càng tốt. Lúc này, bác sỹ thường chỉ định mổ lấy thai khẩn cấp.
Kết luận
Bệnh thuyên tắc ối không thể dự báo, không có cách dự phòng , diễn biến của bệnh thường nhanh, mức độ nguy hiểm cao. Vì thế, sản phụ cần theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ để bác sỹ tiên liệu trước những nguy cơ, và khi có dấu hiệu sinh, nên đến các bệnh viện chuyên khoa để được hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ