Khi bé đã quen với việc bú mẹ thì giai đoạn chuyển sang cho bé bú bình phải tập dần với liều lượng và số bữa phụ thuộc vào tháng tuổi của bé. Vậy khi nào bé cần được bú bình ? Phải làm gì để trẻ bú bình đúng cách? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Khi nào cho trẻ bú bình ?
Nếu làm quen với bình sữa quá sớm, trẻ có thể sẽ dần quen với việc bú bình mà khiến việc nuôi con bằng sữa mẹ kết thúc sớm. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ, vì vậy tập cho trẻ thói quen bú bình sớm cũng không hề tốt chút nào.
– Các mẹ không nên cho trẻ bú bình trước 2 tháng tuổi. Nếu cho bé ti bình quá sớm sẽ làm bé bỏ ti mẹ khiến mẹ có nguy cơ mất sữa hoặc làm bé có khớp ngậm không đúng dẫn đến mẹ bị đau rát đầu ti hoặc nứt đầu ti,
– Nếu mẹ sắp đi làm trở lại thì nên tập ti bình cho bé trước từ 2 đến 4 tuần, nên tập nhiều lần trong ngày với thời gian tăng dần kết hợp với bú mẹ bình thường.
2. Những điều cần lưu ý khi cho trẻ bú bình
– Khi cho bé bú bình có thể chỉ dùng sữa mẹ hoặc cũng có thể pha sữa mẹ với sữa bột.
Nếu chọn lựa sữa bột, mẹ cần phải quan sát và lựa chọn cho trẻ loại sữa phù hợp. Một số trẻ trong thời gian đầu bú bình thường có hiện tượng đi ngoài, thậm chí là biếng ăn. Lúc này, mẹ cần cho trẻ thử dùng sữa với lượng vừa phải, từng chút một và quan sát trẻ để có thể đổi sang loại sữa khác. Đặc biệt khi pha sữa cho trẻ cần pha đúng công thức và luôn giữ sữa được ấm.
– Chọn núm vú bình tương tự ti mẹ : Nên chọn núm vú bình sữa càng giống đầu ti và quầng vú mẹ thì càng tốt. Sử dụng núm vú cao su có độ rộng, tránh núm vú quá ngắn hay hẹp khiến bé khó mút.
– Bạn cần kiên nhẫn vì bé có thể chống đối vì ghét núm vú bình sữa. Hãy thật kiên trì, vì trẻ cần thời gian để quên vú mẹ và làm quen, thích nghi với núm vú của bình sữa.- Thay đổi vị trí cho bé bú : Hãy đảm bảo tư thế ngồi của bạn thật thoải mái. Bạn bế trẻ trong lòng theo tư thế dốc, để đầu trẻ luôn cao hơn so với phần cơ thể còn lại. Tuyệt đối không cho trẻ bú bình khi đang nằm dù nằm nghiêng hay nằm ngửa vì trẻ có thể bị nuốt vào quá nhiều hơi hoặc bị sặc sữa.
– Không nên tập bú bình cho bé khi bé không quá đói hay đang no. Đừng để bé thật đói mới cho bú bình. Mỗi đứa trẻ có một nhu cầu về năng lượng khác nhau nên các con cũng sẽ bú lượng sữa theo khác nhau.Cho trẻ bú khi trẻ đòi, không ép trẻ bú khi trẻ không muốn, không ép trẻ bú thêm khi trẻ biểu hiện đã no vì có thể khiến dạ dày của con quá tải, gây ra hiện tượng nôn trớ hoặc trào ngược dạ dày.
– Không bao giờ được để trẻ một mình nằm bú với một bình sữa dựng đứng vì nó có thể khiến trẻ bị sặc sữa. Sau khi cho con bú xong, hãy luôn để ý tới các biểu hiện của trẻ.
– Không bắt trẻ phải bú hết sạch bình sữa. Cơ thể mỗi trẻ có tần suất và cơ chế nạp lượng sữa khác nhau.