Trẻ không may bị nhiễm HIV luôn cần một chế độ chăm sóc đặc biệt để hỗ trợ việc kiểm soát bệnh và làm chậm quá trình chuyển sang giai đoạn AIDS.
Việc duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ bị HIV có vai trò đặc biệt và quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển bình thường, tăng sức đề kháng, làm chậm quá trình chuyển sang AIDS.
1. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi
– Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Tuy nhiên bà mẹ nhiễm HIV không nên cho con bú vì HIV có trong sữa mẹ có thể truyền sang con khi cho bú ( 100 bà mẹ nhiễm HIV cho con bú có khoảng 20 trẻ bị lây). Vì vậy bà mẹ nhiễm HIV nên cho con ăn sữa ngoài . Đây là biện pháp có hiệu quả làm giảm nguy cơ nhiễm HIV cho con khi người mẹ nhiễm HIV. Nếu tuân thủ tuyệt đối sẽ bỏ được nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
2. Đối với trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi
– Đối với trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi, cần cho ăn bổ sung ăn dặm, bổ sung thêm sữa để trẻ có thể đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, có khả năng đáp ứng đủ thức ăn thay thế để bảo đảm cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ.
– Thực phẩm cho trẻ đủ 4 nhóm. Khi nấu bột hay nấu cháo cần có: thịt, cá, tôm cua, đậu phụ, trứng hoặc lạc, vừng; rau củ quả như rau ngót, rau dền, rau muống, bí ngô. Thêm 1-2 thìa mỡ hay dầu ăn. Hoa quả chín đặc biệt tốt cho trẻ nhiễm HIV, cần chú ý cho trẻ ăn hàng ngày.
– Trẻ từ 6-12 tháng tuổi có thể cho ăn 2-3 bữa/ngày.
– Trẻ từ 13-24 tháng tuổi có thể cho ăn 3-4 bữa /ngày kèm thêm 2 bữa phụ như nước quả hay quả chín, sữa bò hay sữa đậu nành, bánh qui… Nếu trẻ không ăn thêm sữa, cho ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ/ngày.
3. Trẻ trên 12 tháng tuổi
– Bữa ăn của trẻ cần đủ 4 nhóm : chất bột, chật đạm , vitamin, chất béo. Lưu ý : nên sử dụng thịt bò và gia cầm, ngoài ra chất béo, nên sử dụng từ dầu thực vật . Ngoài ra, cần đặc biệt bổ sung vitamin, chất khoáng và chất xơ từ các loại rau củ quả chín, sạch.
– Chia nhỏ số bữa ăn trong ngày để trẻ hấp thụ dinh dưỡng được tốt hơn.
4. Trẻ trên 2 tuổi
– Trẻ trên 2 tuổi ăn 3 bữa chính cùng gia đình, mỗi bữa từ 1-2 bát, ưu tiên thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu và rau xanh. Giữa các bữa ăn chính cần cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ: sữa, bánh, quả chín.
Chế biến thức ăn phải đảm bảo vệ sinh. Cần cho trẻ uống đủ nước, mỗi ngày 6-8 cốc nước (200 ml/cốc) gồm nước đun sôi, nước rau, quả.
Ngoài ra gia đình cần lưu ý những vấn đề sau :
+ Đối với các bệnh đã có vắc xin phòng, cần bảo đảm trẻ được tiêm chủng đầy đủ. Với các bệnh thông thường khác, gia đình cần cách ly trẻ với bệnh nhân (đặc biệt là người mắc lao).
+ Trẻ nhiễm HIV cần được tắm, vệ sinh sạch để đề phòng nhiễm trùng, không để xây xước da.
+ Cần phải cho trẻ thăm khám kịp thời khi thấy có những triệu chứng sốt, ho, thở nhanh, khó thở, chán ăn, gầy sút nhanh, xuất hiện những đốm trắng hay những vết đau trong miệng, đại tiện có máu, tiêu chảy, nôn mửa, sởi, lao, thủy đậu hoặc các bệnh lây nhiễm khác.
+ Hàng tháng, cần cho trẻ kiểm tra sức khỏe, thăm khám và xét nghiệm để phát hiện và điều trị .
Trẻ nhiễm HIV cần được chăm sóc, nuôi dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Gia đình cần quan tâm và dành nhiều thời gian cho trẻ để trẻ phát triển về thể chất và tinh thần như những trẻ bình thường khác.